3 lưu ý cần biết khi chọn tủ thờ? Cách bảo quản tủ thờ gỗ
Tủ thờ là một món đồ thờ cúng không thể thiếu trong những gia đình yêu thích sự nhỏ gọn, tiện lợi nhưng không kém phần trang trọng, uy nghiêm cho không gian thờ cúng của gia đình mình. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều những loại tủ thờ khác nhau, gây ra sự phân vân cho người mua. Bài viết sau đây của vatgia.com sẽ đưa ra những kiến thức mà gia chủ cần có khi chọn mua tủ thờ.
1. Tại sao nên lựa chọn tủ thờ?
Một trong những nét văn hóa đẹp và rất riêng của người Việt ta đó là truyền thống thờ cúng tổ tiên, uống nước nhớ nguồn. Hầu như trong mỗi gia đình đều có một chiếc bàn thờ hay tủ thờ đẹp để bày tỏ tấm lòng kính trọng đối với tổ tiên của mình. Giống với bàn thờ, tủ thờ có công dụng chính là để bày biện các món đồ thờ cúng cần thiết như bát hương, nến, chân đèn, lọ hoa, mâm ngũ quả…
Đặc điểm nổi bật khiến cho nhiều gia chủ yêu thích và lựa chọn tủ thờ đó là sự đa năng, tiết kiệm diện tích và tiện lợi. Với thiết kế tủ chứa đồ ở phần thân với cánh cửa đóng mở và các ngăn kéo, tủ thờ còn có thể sử dụng để đựng những đồ thờ cúng cần thiết như hương hoa, giấy tiền, gia phả của gia đình, gia tộc. Thay vì sở hữu một chiếc bàn thờ truyền thống cùng với tủ để đồ riêng, vừa tốn diện tích, vừa tốn tiền bạc, gia chủ hoàn toàn có thể lựa chọn tủ thờ cho không gian thờ cúng của gia đình mình.
2. Lưu ý khi lựa chọn tủ thờ
2.1. Chất liệu của tủ thờ
Trong phòng thờ của gia đình phải có đủ yếu tố của Ngũ Hành, như Mộc là bàn thờ gỗ, Thủy là nước trong chóe thờ, Hỏa là hương khói, nến, Thổ là bát hương bằng sứ và yếu tố Kim là chân đèn, giá nến đồng, bởi vậy để tránh hung khí có thể gây ảnh hưởng đến tài vận, gia chủ thường lựa chọn tủ thờ bằng gỗ thay vì tủ thờ bằng kim loại hay những chất liệu khác. Việc lựa chọn một chiếc tủ thờ đẹp có chất liệu tốt là vô cùng quan trọng, bởi bàn thờ, tủ thờ hay đồ thờ cúng là những vật kiêng kị đổi vị trí và thay thế.
Hiện nay có rất nhiều những loại gỗ khác nhau, phù hợp để đóng tủ thờ như gỗ mít, gỗ sồi, gỗ gõ đỏ, gỗ hương, gỗ gụ… Đây là những loại gỗ có màu sắc đẹp, bền bỉ, ít bị cong vênh với mùi thơm thoang thoảng, rất phù hợp cho không gian thờ cúng. Với những gia chủ yêu thích sự đơn giản, rẻ, đẹp có thể lựa chọn tủ thờ gỗ mít, gỗ sồi, gỗ tràm. Các loại gỗ này có giá thành thấp hơn những loại gỗ khác, tuy nhiên vẫn giữ được chất lượng rất tốt, phù hợp để làm nội thất trong gia đình.
Với những gia chủ có hầu bao lớn hơn, các bạn hoàn toàn có thể chọn mua tủ thờ từ các loại gỗ quý như tủ thờ gỗ hương, tủ thờ gỗ gụ. Đây không chỉ là những loại gỗ có giá trị cao về kinh tế mà còn rất bền, hầu như không bị ẩm mốc hay mối mọt. Những chiếc tủ thờ làm bằng các chất liệu này không chỉ có màu rất tự nhiên, đa dạng mà còn có vân gỗ sắc nét, độc đáo.
Nhìn chung, người mua nên căn cứ vào điều kiện kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Tuy nhiên, các bạn nên chọn những loại gỗ chắc chắn, ít cong vênh, nứt hay mối mọt để đảm bảo sự tôn nghiêm, trang trọng cho phòng thờ của gia đình. Tuyệt đối nên tránh những chiếc tủ thờ được ghép từ hai cây gỗ trở lên, vì đây là một điều kiêng kị trong việc chọn mua đồ thờ cúng.
2.2. Kích thước của tủ thờ
Khi lựa chọn tủ thờ, bạn cần để ý tới tủ thờ cao bao nhiêu, chiều rộng, chiều sâu để có một chiếc tủ thờ phù hợp nhất với ngôi nhà của mình. Một chiếc tủ thờ chuẩn phải không được quá to hay quá bé so với không gian thờ cúng để tránh làm mất đi phong thủy, vượng khí trong gia đình.
Một tiêu chuẩn khác thường được sử dụng khi chọn tủ thờ đó là kích thước Lỗ Ban. Đây là kích thước tiêu chuẩn, phù hợp với phong thủy và đã được nghiên cứu, đo đạc kĩ để giúp gia chủ chọn được tủ thờ ưng ý nhất cho ngôi nhà của mình. Các tủ thờ gỗ mỹ nghệ hầu hết được đóng theo tiêu chuẩn này để phù hợp với yêu cầu về phong thủy:
- Về chiều cao: 1,27m là chiều cao thống nhất của các loại tủ thờ bằng gỗ
- Về chiều rộng: có các kích cỡ rộng 1,07m, 1,27m, rộng 1,53m, rộng 1,75m, rộng 1,97m để bạn lựa chọn cho tủ thờ gỗ nhà mình. Những kích cỡ chiều rộng này nên được đo đạc và lựa chọn cẩn thận để hòa hợp với cả chiều sâu và chiều rộng của tủ thờ.
- Về chiều sâu: gia chủ có thể lựa chọn sâu 48cm cho những tủ thờ nhỏ, 61cm, 67cm, 69cm với không gian thờ cúng có diện tích trung bình, 81cm, 87cm, 89cm cho những không gian với diện tích lớn hơn.
2.3. Mục đích sử dụng tủ thờ
Gia chủ cũng cần xác định rõ nhu cầu, mục đích của việc sử dụng tủ thờ. Nếu như đang tìm kiếm tủ thờ cho nhà chung cư, nhà có diện tích nhỏ, các bạn nên chọn một chiếc tủ thờ gỗ bé hơn, hài hòa với không gian ngôi nhà của mình. Khi gia chủ có không gian lớn, cũng cần lựa chọn tủ thờ sao cho phù hợp với phòng thờ của gia đình.
Ngoài ra, cần tìm hiểu tủ thờ sắp mua là dành cho gia đình hay từ đường, nhà thờ họ để có thể đưa ra những quyết định về kích thước, chất liệu và độ tinh xảo như các loại tủ thờ với sơn son thiếp vàng, thiếp bạc, khảm trai. Với những tủ thờ gỗ với mục đích sử dụng trong nhà, bạn có thể lựa chọn chất liệu nhẹ và rẻ hơn để dễ dàng bày sắp, thay đổi vị trí nếu thực sự cần thiết. Với nơi trang trọng, uy nghiêm và cần nhiều sự thanh tịnh, bạn nên chọn những loại gỗ quý và màu sơn gỗ nhã nhặn, có chất lượng tốt để tủ thờ luôn bền với thời gian và giá trị thẩm mĩ cao.
3. Kinh nghiệm bảo quản tủ thờ
3.1. Tránh nơi có ánh nắng và nhiệt độ cao
Để không những đảm bảo được yếu tố về phong thủy mà còn bảo quản tốt được tủ thờ gỗ trong gia đình, gia chủ không được để tủ thờ bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào, hay những nơi nhiệt độ cao. Tủ thờ hay không gian thờ cúng cần phải được đảm bảo tính âm để mang lại may mắn, tài lộc trong gia đình.
Hơn nữa, nếu bị tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời, chất gỗ có thể bị khô không đúng cách, dẫn đến gỗ bị co lại, cong vênh, rạn nứt và ảnh hưởng tới độ bền của tủ thờ. Tia cực tím trong ánh sáng mặt trời là nguyên nhân chính làm cho lớp sơn của gỗ bị xỉn màu, thậm chí là bong tróc, ảnh hưởng rất lớn tới tuổi thọ tủ thờ trong gia đình. Bởi vậy, không nên đặt tủ thờ ở những nơi thường xuyên có nắng gắt và nhiệt độ quá cao.
3.2. Chống mối mọt
Tủ thờ của gia đình không được để ở không gian ẩm mốc bởi sẽ ảnh hưởng tới yếu tố tâm linh và độ bền của sản phẩm. Độ ẩm cao sẽ khiến rỗ bị phồng rộp và là điều kiện lí tưởng để mối mọt, vi khuẩn gây ẩm mốc phát triển, làm hỏng và mục nát sản phẩm tủ thờ gỗ. Vì thế, tủ thờ cần được đặt ở những nơi cao, thoáng đãng, tránh ẩm thấp, không gần cửa và bị mưa hắt. Nếu có máy hút ẩm, nên giữ cho phòng thờ của gia đình có độ ẩm dưới 50% để tủ thờ được bền đẹp.
Khi lau chùi tủ thờ, bạn cũng lưu ý không nên đổ nước trực tiếp lên sản phẩm hay sử dụng khăn quá ướt để làm sạch. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng bình xịt nước với tia nhỏ, xịt vào tủ thờ và lau lại nhẹ nhàng bằng khăn mềm, tránh làm ẩm hay trầy xước bề mặt của tủ thờ.
Với những loại gỗ quý, có chất lượng tốt, khả năng chống mối mọt là khá cao và hầu như bạn không cần phải quá lo lắng về vấn đề này. Tuy nhiên trong thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam, tủ thờ gỗ vẫn có thể bị những chấm đen li ti hay nốt rỗ xuất hiện do mối mọt. Khi thấy hiện tượng này, bạn nên xử lí ngay bằng những chất chống sâu bọ ấn thấm vào lỗ mọt.
3.3. Giữ bề mặt tủ thờ bóng đẹp
Tủ thờ của gia đình thường được bày biện rất nhiều đồ thờ đẹp và tinh xảo bằng kim loại. Trước khi đặt đồ thờ bằng đồng, bằng vàng, bạn nên đặt những miếng lót để bảo vệ bền mặt của tủ thờ để tránh trầy xước. Tuyệt đối không nên dùng những vật có độ ráp như giấy ráp, bàn chải cứng để làm sạch tủ thờ, bởi những đồ vật này sẽ gây xước, bạc màu, làm tủ thờ nhà bạn trông cũ hơn và gây khó khăn cho những lần làm sạch, đánh bóng về sau.
Để bề mặt tủ thờ luôn bóng đẹp, lau dọn tủ thờ hàng tuần là một việc hết sức quan trọng. Bạn có thể sử dụng những sản phẩm đánh bóng chuyên dùng dành cho gỗ, nhưng cần tránh đánh bóng quá nhiều, có thể gây mất vẻ mộc mạc vốn có của tủ thờ. Đối với những loại gỗ quý và có nhiều giá trị như gỗ hương, gỗ gụ, không nên đánh véc-ni mà nên giữ nguyên vẻ mộc của gỗ, bởi đây là những loại gỗ có độ bóng, màu tự nhiên và vân gỗ rất đẹp. Nếu tủ thờ bị xước, bạn có thể sử dụng xi đánh giày có màu giống với màu của tủ thờ để đánh lên các vết xước nhỏ, hoặc dùng quả hạnh nhân, quả óc chó đã tách vỏ, cắt một đầu rồi chà lên vết xước đó.
Viết bình luận